CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CHÓ CƯNG, SẢN PHẨM THÚ CƯNG, CÔNG TY TNHH TM VÀ SX DINH DƯỠNG THÚ Y NAM LONG

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CHÓ CƯNG

Chó là một trong những loại thú cưng được yêu thích nhất trong các gia đình ở Việt Nam. Chó cưng luôn đem lại cho con người chúng ta niềm vui và sự yêu thương. Chính vì vậy, chó cũng cần và xứng đáng được nhận lấy tình yêu thương và sự chăm sóc của chúng ta. Hiện nay, có một số bệnh thường gặp trên chó mà người nuôi thú cưng cần biết đến. Chú ý đến các căn bệnh thường gặp trên chó không những chỉ đảm bảo sức khỏe cho thú cưng mà còn cho chính bản thân chúng ta. Dưới đây là tổng quan về các bệnh thường gặp trên chó cưng.


Bordetella Bronchiseptica

Đây là loại vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao. Nó có thể gây ra những cơn ho dữ dội , ho khạc, nôn mửa, và trong một số trường hợp hiếm gặp là co giật và tử vong. vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây ra của ho cũi. Hiện nay trên thị trường có 2 loại vaccine: vaccine tiêm và vaccine xịt mũi.

Vì đây là bệnh có nguy cơ lây nhiễm trên chó rất cao, nếu thú cưng của bạn thường tiếp xúc với những chú cún khác, bạn hãy nên tiêm phòng Bordetella cho thú cưng của mình

Canine Distemper (CDV)

Canine Distemper (CDV) gây ra bệnh Carê ở chó; virus này có khả năng lây nhiễm thông qua đường hô hấp, tiêu hóa. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường xảy ra ở chó non, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao.

Hiện nay vẫn chưa có cách để chữa khỏi bệnh carê.  Điều trị bao gồm chăm sóc hỗ trợ và nỗ lực để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp, kiểm soát các triệu chứng nôn mửa, co giật. Nếu con vật sống sót sau các triệu chứng, người ta hy vọng rằng hệ thống miễn dịch của chó sẽ có cơ hội chống lại virus Carê. Những con chó bị nhiễm bệnh có thể thải vi-rút trong nhiều tháng.

Canine Hepatitis

Bệnh viêm gan truyền nhiễm ở chó là một bệnh nhiễm vi rút rất dễ lây lan, ảnh hưởng đến gan, thận, lá lách, phổi và mắt của thú cưng. Bệnh về gan này do một loại vi rút không liên quan đến dạng viêm gan ở người gây ra. Các triệu chứng thường thấy như sốt nhẹ, xung huyết niêm mạc, nôn mửa, vàng da, xoang bụng phình to và đau quanh gan. Nhiều con chó có thể vượt qua được nếu các triệu chứng là nhẹ, nhưng dạng nặng có thể gây tử vong. Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị cụ thể cho bệnh này, nhưng các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng thường thấy của loại bệnh này.

Canine Parainfluenza

Một loại virus gây ra bệnh ho cũi (kennel cough) ở chó

Coronavirus

Virus coronavirus ở chó không cùng loại với virus gây ra COVID-19 ở người. COVID-19 không được cho là mối đe dọa sức khỏe đối với chó và chưa có bằng chứng cho thấy COVID-19 gây ảnh hưởng đến thú cưng. Canine coronavirus thường ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chó, đôi khi cũng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Các dấu hiệu bao gồm hầu hết các triệu chứng về hệ tiêu hoá, bao gồm chán ăn, nôn mửa và tiêu chảy. Các bác sĩ có thể giữ cho chó đủ nước, ấm áp, thoải mái và giúp giảm buồn nôn, nhưng không có loại thuốc nào loại trừ coronavirus trong cơ thể thú cưng.

Giun tim ở chó (Heartworm)

Khi chó con của bạn được khoảng 12 đến 16 tuần tuổi, hãy đến gặp bác sĩ thú y để tiêm phòng ngừa giun tim cho thú cưng của bạn.

Giun tim thường trú ngụ ở phía bên phải của tim và các động mạch phổi (đưa máu đến phổi). Chúng cũng có thể di chuyển qua phần còn lại của cơ thể và đôi khi xâm nhập vào gan và thận. Giun có thể dài tới 36 cm và có thể gây tắc nghẽn và làm tổn thương các cơ quan nội tạng.

Nhiễm giun tim ở giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, giai đoạn sau của bệnh có thể gây ra ho, hôn mê, chán ăn hoặc khó thở. Những con chó bị nhiễm bệnh có thể mệt mỏi sau khi vận động nhẹ. Giun tim không lây truyền qua nước tiểu, phân và các chất dịch cơ thể khác, giun tim được truyền qua muỗi (máu). Do đó, chẩn đoán được thực hiện thông qua xét nghiệm máu chứ không phải xét nghiệm phân.

Bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospirosis)

Đây là bệnh do vi khuẩn  Leptospira gây ra và một số có thể không gây ra triệu chứng gì trên một số cá thể. Các triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, suy nhược nghiêm trọng và hôn mê, cứng khớp, vàng da, đau cơ, vô sinh, suy thận (có hoặc không có suy gan). Thuốc kháng sinh có hiệu quả và nên được sử dụng càng sớm càng tốt.

Bệnh Lyme (Lyme Disease)

Bệnh Lyme (hay bệnh borreliosis) là một bệnh truyền nhiễm do ve gây ra bởi một loại vi khuẩn được gọi là xoắn khuẩn. Được lây truyền qua bọ ve, một con chó bị nhiễm bệnh thường bắt đầu đi khập khiễng, các hạch bạch huyết của nó sưng lên, nhiệt độ tăng lên và bỏ ăn. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến tim, thận, khớp và những cơ quan khác, hoặc dẫn đến rối loạn thần kinh nếu không được điều trị. Nếu được chẩn đoán nhanh chóng, kháng sinh sẽ đem lại kết quả khả quan.

Bệnh Parvo (Parvovirus)

Parvo (CPV) là một loại virus rất dễ lây lan. Những thú cưng chưa được tiêm phòng và chó con dưới bốn tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh này cao nhất. Virus tấn công vào hệ thống tiêu hóa và tạo ra cảm giác chán ăn, nôn mửa, sốt và thường là tiêu chảy nặng, có máu. Tình trạng mất nước quá mức có thể xảy ra nhanh chóng có thể gây tử vong trong vòng 48 đến 72 giờ. Vì vậy, việc chăm sóc thú y kịp thời là rất quan trọng. Không có cách chữa trị, vì vậy việc giữ cho chó đủ nước và kiểm soát các triệu chứng phụ có thể giúp chó tiếp tục hoạt động cho đến khi hệ thống miễn dịch của nó đánh bại bệnh tật.

Bệnh dại (Rabies)

Virus sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây hoảng loạn, ảo giác, chảy nhiều nước dãi, sợ nước, bại liệt và dẫn đến tử vong. Nó thường được truyền qua vết cắn của động vật bị dại. Ở Việt Nam, chó nhà là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (95-97%) sau đó đến mèo.

(Theo American Kennel Club)